PVLC Thứ 7 Tuần VII Thường Niên
 

 Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 5, 13-20

"Lời cầu nguyện của người công chính rất linh nghiệm".

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, ai trong anh em buồn sầu, người đó hãy cầu nguyện. Còn ai hân hoan, người đó hãy ca hát thánh vịnh. Ai trong anh em ốm đau ư? Hãy mời các trưởng lão giáo hội đến, để các ngài cầu nguyện và nhân danh Chúa xức dầu cho người đó. Lời cầu nguyện phát xuất tự lòng tin sẽ cứu được bệnh nhân và Chúa sẽ cho người đó được bình phục; và nếu người đó mắc tội, thì sẽ được tha. Vậy anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để anh em được cứu độ, vì lời cầu nguyện của người công chính rất linh nghiệm. Elia là con người đau khổ giống như chúng ta, thế mà ông kiên tâm cầu nguyện để trời đừng có mưa, và trời đã không mưa trong ba năm sáu tháng. Rồi ông lại cầu nguyện, và trời đổ mưa, đất trổ sinh hoa quả.

Anh em thân mến, nếu ai trong anh em lạc đường chân lý, và có kẻ làm cho người đó trở lại, thì người ấy hãy biết rằng: kẻ làm cho người tội lỗi bỏ đường lầm lạc mà trở lại, sẽ cứu linh hồn người tội lỗi khỏi chết, và che lấp được nhiều tội lỗi.

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 140, 1-2. 3 và 8

Ðáp: Xin cho lời con nguyện bay lên Chúa như hương trầm (c. 2a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, con kêu lên Chúa, xin mau chóng phù trợ con, nguyện nghe tiếng con, lúc con kêu cầu Chúa. Xin cho lời con nguyện bay lên Chúa như hương trầm, tay con giơ lên thành như của lễ lúc chiều hôm. - Ðáp.

2) Lạy Chúa, xin đặt quân gìn giữ miệng và lính canh gác gần cửa môi con. Ôi lạy Chúa, con mắt con hướng nhìn về Chúa, con tìm nương tựa nơi Ngài, xin đừng huỷ mạng sống con. - Ðáp. 

Alleluia: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. - Alleluia. 

Phúc Âm: Mc 10, 13-16

"Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó". Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.

Ðó là lời Chúa.

 

Linh đạo Kitô giáo không phải ở chỗ trưởng thành lớn lên mà là trở nên ngây thơ nhỏ bé 

Suy Niệm 

Bài Phúc Âm hôm nay được Thánh ký Marco thuật lại một cảnh tượng hiếm hoi chưa từng thấy, đó là cảnh tượng "người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu". Sở dĩ nói rằng đây là một cảnh tượng hiếm hoi chưa từng thấy là vì thường dân chúng chỉ mang các bệnh nhân đến với Chúa Giêsu để được Người chữa lành thôi, hay dân chúng kéo đến với Người để nghe Người giảng dạy. 

Hôm nay, trong bài Phúc Âm này, cho dù các em nhỏ chẳng có bệnh tật gì và chẳng hiểu Người nói gì, cũng được người lớn mang đến với Người, với mục đích được Thánh ký Marco tiết lộ là "để Người đặt tay trên chúng", thế thôi. Ở sự kiện này chúng ta thấy một sự lạ khác là trong khi những người mang các em nhỏ đến với Chúa Giêsu thì họ lại gặp phải một phản ứng bất lợi, đó là: "các môn đệ khiển trách họ". 

Qua cuộc đụng độ bất ngờ này, một cuộc đụng độ ngoài dự tưởng của những người mang trẻ nhỏ tới với Chúa Giêsu, vì họ chỉ nhắm tới Chúa Giêsu thôi, chứ không để ý gì tới các môn đệ của Người. Không biết có ai trong họ cự lại các tông đồ hay chăng: "Ủa, chúng tôi mang con trẻ nhỏ ngây thơ vô tội đến với Thày của các ông là Đấng đầy yêu thương từng người mà tại sao các ông lại ngăn cản chúng tôi chứ?" 

Chắc không có chuyện giả tưởng này, nhưng dầu sao cũng cho thấy hai tâm thức khác nhau, giữa dân chúng không sống gần Chúa Giêsu bằng các môn đệ của Người, song lại hiểu Người hơn các vị, thành phần như người con lớn trong dụ ngôn người cha nhân hậu, dù liên lỉ ở với cha, mà chẳng hiểu cha bằng người em hoang đàng của hắn. 

Câu Chúa Giêsu can thiệp vào vụ đụng độ bất ngờ trước mặt Người bấy giờ đã cho thấy rõ ai hơn ai đối với Người liên quan tới tinh thần của Người: "Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: 'Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó'. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng". 

Đúng thế, thành phần môn đệ của Chúa Kitô là thành phần người lớn, với đầy những hướng chiều và tham muốn phàm tục trong việc tranh chấp ngôi vị, như Bài Phúc Âm Thứ Ba tuần này cho thấy. Các vị coi Thầy của các vị là một Đấng uy nghi cao cả, chỉ có các vị hay thành phần giáo quyền hoặc thành phần biệt phái cùng luật sĩ hay các tư tế mới có tư cách gặp Người, hoặc những ai chính Người muốn gặp gỡ họ thôi, chứ không phải ai cũng được phép gặp Người, chẳng hạn như đám trẻ em được thành phần phụ nữ quê mùa tầm thường dẫn tới như vậy. 

Các vị vẫn chưa hiểu được giáo huấn của Thày mình. Mới cách đó không lâu, chính Chúa Giêsu đã đích thân tìm một em bérồi "đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng: 'Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy'", thế mà các vị vẫn chưa lĩnh hội hết ý muốn của Người, nên hôm nay, trong bài Phúc Âm này, Người lại phải lợi dụng dịp này để nhắc nhở các vị. 

Trong câu Người nói với các môn đệ trong bài Phúc Âm hôm Thứ Ba tuần này: "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy" nghĩa là, như đã chia sẻ hôm Thứ Ba, "nếu các vị muốn chấp nhận Người, nhất là chấp nhận Người ở nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người, các vị phải 'hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ' (Mathêu 18:3)", thì "Nước Thiên Chúa" được Người nói trong bài Phúc Âm hôm nay chính là bản thân Người. 

Thật vậy, hình ảnh và tác động "Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng" trong bài Phúc Âm hôm naykhông phải hay sao, đã chứng thực Người chính là "Nước Thiên Chúa" , một thực tại thần linh "là của những người giống như chúng", tức của những ai để cho Người "ôm", hoàn toàn tin tưởng vào Người, chấp nhận tất cả những gì Người tỏ ra cho họ, bằng không, một khi coi mình là người lớn, xấu hổ không để cho Người "ôm" thì họ sẽ không thể nào có thể ở trong Người và Người ở trong họ: "Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó" 

Cảm Nghiệm 

Linh đạo của Kitô giáo không phải là một tiến trình tiến đức lớn lên mà là nhỏ lại. Ở chỗ, Thiên Chúa càng làm chủ linh hồn thì linh hồn càng tràn đầy Chúa, khi Chúa tỏ mình ra cho họ và qua họ cho thế gian, nhờ đó thế gian nhận biết Ngài qua họ và nhờ họ. 

Kinh nghiệm tu đức cho thấy, trong đời sống thiêng liêng của Kiô hữu, Thiên Chúa bao giờ cũng muốn làm cho linh hồn nhận biết Người, nghĩa là Ngài luôn tỏ mình ra cho họ, cho đến khi họ có thể đạt tới tầm vóc vẹn toàn của Chúa Kitô là đầu (xem Epheso 4:13,15). 

Bởi thế, Thiên Chúa bao giờ cũng chủ động; con người chỉ làm sao đón nhận và đáp ứng. Kitô hữu trưởng thành (hay "lớn lên") trong đời sống thiêng liêng nhờ Thiên Chúa càng ngày càng sống trong họ, nơi ý nghĩ lòng muốn của họ, qua lời nói phát ngôn của họ và ở hành vi cử chỉ cùng phản ứng có tính cách thần linh của họ. 

Thế nhưng, bởi nguyên tội, con người vốn xu hướng về "trái cấm", nghĩa là luôn xu hướng về tất cả những gì trái với ý muốn của Thiên Chúa, bởi thế, để được thừa hưởng Nước Trời, con người cần phải "hoán cải và trở nên như những trẻ nhỏ" (Mathêu 18:3), và để cứu độ con người mù quáng, chính Thiên Chúa cũng phải "ra tay uy quyền đánh tan người kiêu ngạo", cũng phải "hạ người quyền hạnh xuống khỏi vị cao" và cũng phải "để người giầu có trở về tay không" (Luca 1:51-53), nghĩa là Ngài làm cho họ phải nhỏ bé lại và làm sao biết kính sợ Ngài, như lòng thương xót Ngài đối với họ. 

Con người dù có hèn hạ xấu xa tội lỗi đến đâu đi nữa, Thiên Chúa là Cha giầu lòng thương xót vẫn không thể nào bỏ họ, trái lại, Ngài sẽ làm hết cách để cứu họ, một loài tạo vật đã được Ngài tạo dựng nên" chẳng những "theo hình ảnh của Chúa" mà còn nhờ đó có được những khả năng để nhận biết Ngài và sống xứng đáng với thân phận làm người cao cả của họ, đến độ nếu chính bản thân họ không thể tự cứu được họ thì Ngài có thể sử dụng một thừa tác nhân nào đó để cứu họ, như Thánh Giacôbê trong Bài Đọc 1 hôm nay cho thấy: "Anh em hãy cầu nguyện cho nhau để anh em được cứu độ, vì lời cầu nguyện của người công chính rất linh nghiệm. Elia là con người đau khổ giống như chúng ta, thế mà ông kiên tâm cầu nguyện để trời đừng có mưa, và trời đã không mưa trong ba năm sáu tháng. Rồi ông lại cầu nguyện, và trời đổ mưa, đất trổ sinh hoa quả". 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên 

Thu.7.VII-TN.mp3